Không để doanh nghiệp khởi nghiệp của mình điêu đứng vì dịch bệnh, có những người trẻ đã xoay chuyển tình thế, thay đổi mô hình kinh doanh để cứu nguy cho doanh nghiệp và thu được thành công ngay trong khó khăn...
Dịch Covid-19 ập đến, doanh nghiệp khởi nghiệp BEYOURs Việt Nam của Vũ Trung Anh Rim (30 tuổi) điêu đứng, nhưng ngay lập tức anh Rim đã chuyển sang bán mặt hàng thiết yếu và doanh số mỗi ngày đạt trên 500 triệu đồng.
Vận chuyển nông sản, thực phẩm đến tận tay người dân |
Bán nhà để trả lương cho nhân viên
Là doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa là chuỗi bán lẻ nên chi phí vận hành khá cao. Anh Rim kể từ đợt dịch tháng 4.2020, lúc đó các cửa hàng cũng phải đóng cửa khoảng một tháng, doanh số tụt giảm nên anh bắt đầu chuyển dịch mạnh mẽ lên sàn thương mại điện tử.
“Mặc dù lúc đó không có kiến thức gì về sàn thương mại điện tử nhưng cũng phải cố gắng tìm hiểu để đưa sản phẩm lên được sàn. Và chỉ trong vòng một tháng đã tăng doanh số trên sàn thương mại điện tử lên gấp 5 lần, từ đó giúp cho doanh nghiệp có được dòng tiền vượt qua được khó khăn trong giai đoạn đó”, ông chủ trẻ nhớ lại.
Nhưng khi đó dịch bệnh còn chưa phức tạp và kéo dài như đợt dịch lần thứ 4, mà như anh Rim chia sẻ thì từ lúc khởi nghiệp đến giờ đây là giai đoạn khó khăn, thử thách nhất và anh đã phải bán nhà để trả lương cho nhân viên. Anh Rim cho biết trước ngày 15.7 doanh số đã tụt giảm rất nhiều, dịch bệnh khó khăn khiến sức mua giảm hẳn, mà nội thất không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu lại càng thấp.
“Thấy kiểu bán hàng bình thường không được nữa, cấm hoạt động nên toàn bộ đóng cửa hết, sau ngày 15.7 chỉ hoạt động 1 điểm duy nhất là tổng kho ở Q.12, mình cho dã chiến 3 tại chỗ và livestream hàng. Nhưng được 1 tuần thì có chỉ thị không cho bán mặt hàng không thiết yếu và coi như điêu đứng luôn. Đêm đó 26.7, mình họp tất cả đội ngũ chủ chốt và lần đầu tiên phải quyết định giảm lương nhân sự vì không còn sự lựa chọn”, anh Rim nghẹn ngào nhớ lại.
Mỗi ngày nhận được 500 đơn hàng
Chuyển đổi mặt hàng kinh doanh chỉ trong tích tắc, anh Rim ngay lập tức kết nối tất cả những mối quan hệ liên quan đến nông sản để thành lập đội thu mua, nhân sự, nguồn hàng; thành lập đội marketing để xây dựng một website về thực phẩm và đặt ra thời hạn trong vòng 24 giờ phải hoàn thành website này; cũng như lập đội chiến lược thực hiện xây dựng chiến lược kinh doanh. Kết quả, sau 72 giờ mở bán ngày đầu tiên đã nhận được hơn 500 đơn hàng.
“Nhưng vận hành được 1 tuần, xảy ra khủng hoảng, quá lỗ do hư hao thất thoát nguồn hàng mà mình không kiểm soát được, vì đây là mặt hàng tươi nên rất dễ bị hư. Rồi vấn đề logistic cũng chưa ổn định, nên phải tạm nghỉ 3 ngày để củng cố lại hệ thống. Và ngày 10.8, khi đã ổn định được quy trình thì tụi mình quay lại với việc livestream bán nông sản và cứ đều đều mỗi ngày 500 đơn hàng (đã được khống chế so với nhu cầu của người dân) nên doanh số có ngày trên 500 triệu đồng”, anh Rim chia sẻ.
Ông chủ trẻ bày tỏ thêm: “Việc lựa chọn bán nông sản đã giúp cho doanh nghiệp mình tồn tại được trong dịch, giữ được chân nhân viên và họ có thu nhập. Bên cạnh đó, cũng gián tiếp giúp cho người dân TP.HCM tiếp cận được thực phẩm tươi ngon và giá cả bình ổn ở thời điểm rất khó khăn trong việc đi chợ; cũng như giúp doanh nghiệp giữ được sợi dây kết nối với khách hàng”.
Anh Rim từ chủ doanh nghiệp đến chàng trai livestream bán nông sản |
Trong kinh doanh phải chủ động
Anh Rim cho biết vì chuyển qua một ngành mới hoàn toàn nên gặp rất nhiều khó khăn nhưng tất cả mọi người đều cố gắng hết mình. Có những ngày anh Rim ngủ được 4 tiếng là nhiều, nhưng nhiều nhân viên của anh có ngày chỉ ngủ khoảng 2 - 3 tiếng.
Anh Rim cho biết thành công trong dịch, giúp doanh nghiệp của anh có dòng tiền để tồn tại qua giai đoạn khó khăn thì yếu tố quyết định đầu tiên đó chính là con người.
“Trước giờ mình luôn chú trọng vào việc đào tạo đội ngũ, vào văn hóa doanh nghiệp. Để khi họ có niềm tin với doanh nghiệp rồi thì dù xảy ra bất cứ việc gì, họ vẫn tin vào chủ trương của ban lãnh đạo, tin vào đồng nghiệp và cứ thế họ ở lại, chiến đấu hết mình. Nên văn hóa doanh nghiệp cực kỳ quan trọng để tạo nên một đội ngũ mạnh”, anh Rim khẳng định.
Yếu tố thứ 2, theo ông chủ trẻ, đó chính là hệ thống. Vì đã có quy trình tương đối chuyên nghiệp và rõ ràng khi làm về nội thất nên lúc chuyển qua mảng thực phẩm gần như anh áp quy trình đó vào là có thể vận hành được ngay. Và yếu tố thứ 3 là công nghệ. “3 yếu tố đội ngũ, hệ thống và tận dụng đòn bẫy công nghệ cộng lại sẽ giúp cho doanh nghiệp rất linh hoạt trong bất kỳ tình huống nào”, anh Rim nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Rim khuyên: “Trong kinh doanh phải chủ động, chứ không thể ngồi chờ thời và cứ chờ cho đến khi hết dịch thì không biết bao giờ. Đừng oán than cho dịch bệnh, nó cũng đã xảy ra rồi, vì thế hãy tập trung đưa ra những giải pháp cụ thể để giúp doanh nghiệp tồn tại được. Tồn tại được thì sau đó mới có cơ hội để tiếp tục phát triển”.
Anh Rim cũng nhận thấy việc bán được thực phẩm trong thời dịch là thời cơ tới, lúc này người dân chỉ cần bên nào giao được hàng và hàng đảm bảo là họ sẽ đặt mua. Nhưng hiện nay, cuộc sống bình thường mới thì sức cạnh tranh rất nhiều, nên anh Rim đang tìm kiếm mô hình kinh doanh phù hợp hơn cho ngành thực phẩm này để chạy song song với ngành nội thất, nhằm hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.
Theo Thanh Niên: Xem bài viết gốc tại đây